Như Hoteljob.vn đã đưa tin trước đó, từ năm 2018, Luật Du lịch 2017 sẽ chính thức có hiệu lực. Bộ Luật bao gồm 9 chương 78 Điều được kế thừa, phát triển dựa trên Luật Du lịch 2005, trong đó, có sửa đổi, bổ sung một số quy định quan trọng đối với hướng dẫn viên (HDV) du lịch.
Ảnh nguồn Internet
Phân loại HDV du lịch
Theo Luật Du lịch 2017, từ 1/1/2018, HDV du lịch sẽ được phân thành 3 loại riêng biệt, đó là:
- HDV nội địa: phục vụ khách du lịch nội địa là công dân Việt Nam trong phạm vi toàn quốc
- HDV quốc tế: phục vụ khách du lịch nội địa, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong phạm vi toàn quốc và đưa khách du lịch ra nước ngoài
- HDV du lịch tại điểm: phục vụ khách du lịch trong phạm vi khu du lịch, điểm du lịch.
Ảnh nguồn Internet
Điều kiện cấp thẻ HDV du lịch
Theo đó, Luật Du lịch 2017 được phát triển dựa trên sự kế thừa các quy định về điều kiện cấp thẻ HDV du lịch của Luật Du lịch 2005; đồng thời có bổ sung thêm một số quy định mới. Quy định về điều kiện cấp thẻ này được áp dụng chung cho cả 3 đối tượng HDV nêu trên. Bao gồm:
- Có quốc tịch Việt Nam, thường trú tại Việt Nam
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ
- Không mắc các bệnh truyền nhiễm, không sử dụng chất ma túy
- Về trình độ văn hóa: tốt nghiệp trung cấp trở lên (kể cả tốt nghiệp trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp) đối với HDV nội địa – tốt nghiệp cao đẳng trở lên (kể cả cao đẳng nghề và cao đẳng chuyên nghiệp) đối với HDV du lịch quốc tế. Đối với HDV du lịch tại điểm, để được cấp thẻ, người đề nghị chỉ cần đạt yêu cầu kiểm tra về nghiệp vụ hướng dẫn du lịch tại điểm do cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh tổ chức; ngoài ra, không quy định yêu cầu về trình độ.
Ảnh nguồn Internet
Điều kiện hành nghề HDV
Trên cơ sở những quy định về điều kiện hành nghề HDV trong Luật Du lịch 2005, Luật Du lịch 2017 có thay đổi, bổ sung thêm một số quy định mới nhằm tạo điều kiện cho HDV được tự do lựa chọn đăng ký với các tổ chức quản lý du lịch như: doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn hoặc tổ chức xã hội – nghề nghiệp. Theo quy định mới, HDV du lịch muốn hành nghề phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Có Thẻ HDV du lịch
- Có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành – doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch – hoặc là hội viên của tổ chức xã hội nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch. Quy định này chỉ áp dụng cho đối tượng là HDV du lịch quốc tế và HDV du lịch nội địa.
- Có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch.
- Hướng dẫn viên du lịch tại điểm phải có sự phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch đó.
Ảnh nguồn Internet
Thời hạn thẻ HDV
Thay vì chỉ có thời hạn là 3 năm như quy định của Luật Du lịch 2005, Luật Du lịch 2017 đã gia tăng thời hạn thẻ HDV du lịch quốc tế và HDV du lịch nội địa lên 5 năm.
Khi hết hạn, HDV muốn đổi thẻ phải có giấy chứng nhận đã qua lớp bồi dưỡng kiến thức định kỳ cho HDV do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Đối với thẻ HDV du lịch tại điểm, Luật Du lịch 2017 không quy định thời hạn sử dụng thẻ. Việc sử dụng thẻ HDV du lịch tại điểm sẽ tùy theo nhu cầu của chính HDV du lịch tại điểm, cơ quan quản lý khu du lịch, điểm du lịch.
Ảnh nguồn Internet
Nguồn: www.hoteljob.vn