Đến Hội An, trên đường từ phố cổ ra biển An Bàng, khách du lịch có thể bắt gặp hình ảnh bác nông dân lúc nằm, lúc ngồi vắt vẻo trên lưng trâu. Với người Việt Nam, hình ảnh này đẹp nhưng quá đỗi bĩnh thường. Với khách du lịch Âu, Mỹ hay thậm chí là Nhật Bản, Hàn Quốc thì lại rất ấn tượng. Con trâu nước Việt Nam đen bóng, người nông dân áo nâu nổi bật trên cánh đồng lúa bát ngát, lúc xanh, lúc vàng, lúc bạc ánh nước là những gì họ mong đợi được nhìn thấy. Nhiều người đã dừng lại chụp ảnh và còn muốn cưỡi hay đứng cạnh chụp ảnh cùng trâu để lưu giữ lại những khoảnh khắc đẹp khi ở Hội An. Mỗi người chụp hình với trâu trả cho chủ nó 1 đô la. Mức phí rất dễ chịu với du khách và cũng đủ để duy trì cuộc sống của cả người lẫn trâu.
Để kiếm được tiền từ khách du lịch không hề đơn giản. Trâu trước tiên phải khỏe, đẹp và sạch sẽ, luôn tỏ ra thân thiện, an toàn, hiểu và biết nghe theo hiệu lệnh của chủ như nằm xuống, đứng lên, ngoảnh đầu làm dáng… Để đào tạo được một “ông trâu” như vậy rất kỳ công.
Một số nhà hàng, điểm du lịch muốn thuê trâu về để làm điểm nhấn hút khách với giá 15 triệu 1 tháng nhưng đều bị từ chối.
Gần đây, Hội An xuất hiện thêm vài “ông trâu” khác nữa với dịch vụ tương tự. Sự cạnh tranh bắt đầu.
Trước áp lực phải hấp dẫn khách hơn và làm mới “sản phẩm” của mình, người nông dân Hội An đã nghĩ ra cách đặt 1 chú chó nhỏ trên lưng trâu. Chú chó rất đáng yêu, hiếu động chạy đi chạy lại trên lưng trâu đã hấp dẫn không chỉ khách Tây mà cả người Việt Nam nữa. Rất nhiều khách đi qua đã phải quay xe lại để được chụp ảnh.
Ai bảo rằng nông dân không biết làm marketing hay kinh doanh du lịch?
Với nghề khách sạn chúng ta cũng vậy, cạnh tranh lành mạnh luôn là động lực cho sự thay đổi, sáng tạo. Hãy làm cho sản phẩm, dịch vụ của mình luôn tươi mới, hấp dẫn và giầu tính nhân văn các bạn nhé.
Nguồn: //www.hoteljob.vn