Theo đó, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam là tổ chức hành chính thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về du lịch và tổ chức thực thi pháp luật về du lịch trên phạm vi cả nước, quản lý các dịch vụ công về du lịch theo quy định của pháp luật.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam có tư cách pháp nhân, có con dấu hình Quốc huy và trụ sở tại thành phố Hà Nội.
Tên giao dịch tiếng Anh: Viet Nam National Authority of Tourism. Tên viết tắt tiếng Anh: VNAT.
Về nhiệm vụ và quyền hạn của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam bao gồm:
Trình Bộ trưởng để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Các dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội; dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; các dự thảo nghị quyết, nghị định của Chính phủ về du lịch và các đề án, dự án khác theo phân công của Bộ trưởng; Chiến lược phát triển du lịch, quy hoạch hệ thống du lịch; chương trình, đề án, kế hoạch, dự án và công trình quan trọng quốc gia về du lịch; các dự thảo quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về du lịch; Việc ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về du lịch theo quy định của pháp luật; Việc cho phép thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam của cơ quan du lịch nước ngoài, tổ chức du lịch quốc tế và khu vực; Hồ sơ đề nghị công nhận khu du lịch quốc gia nằm trên địa bàn từ hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên.
Trình Bộ trưởng quyết định: Kế hoạch dài hạn, trung hạn và ngắn hạn về phát triển du lịch; các đề án, dự án về du lịch; Các thông tư, quyết định về du lịch; Tổ chức điều tra, đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch; hướng dẫn, tổ chức thực hiện quy hoạch về du lịch; Hướng dẫn việc công nhận, quản lý khu du lịch, điểm du lịch; Hồ sơ đề nghị công nhận khu du lịch quốc gia; Quy định về bảo vệ, tôn tạo, phát triển, khai thác, phát huy giá trị tài nguyên du lịch và bảo vệ môi trường du lịch; Quy định về người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành, nội dung đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức thi, cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch; trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành; Quy định tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch cho cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác; Quy định nội dung đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức thi, cấp chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch; nội dung kiểm tra nghiệp vụ hướng dẫn du lịch tại điểm; tiêu chuẩn thành thạo ngoại ngữ; Ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện quy định của pháp luật về: kinh doanh dịch vụ lữ hành, hướng dẫn du lịch, lưu trú du lịch; xúc tiến du lịch; quy hoạch về du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; kinh doanh dịch vụ du lịch khác.
Xây dựng các quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế kỹ thuật, phí, lệ phí trong lĩnh vực du lịch trình cấp có thẩm quyền ban hành.
Tham mưu, giúp Bộ trưởng chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án về du lịch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Xây dựng, hướng dẫn và thực hiện chiến lược, kế hoạch, chương trình xúc tiến du lịch quốc gia trong nước và ngoài nước; điều phối các hoạt động xúc tiến du lịch liên vùng, liên địa phương theo phân cấp của Bộ trưởng.
Tổ chức hội nghị, hội thảo về du lịch; nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, đề xuất cơ chế, chính sách phát triển thị trường, sản phẩm du lịch và nguồn nhân lực du lịch; phát triển thương hiệu du lịch quốc gia; điều phối, liên kết các hoạt động du lịch liên quốc gia, liên vùng, liên tỉnh.
Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về du lịch để trình Bộ trưởng quyết định hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền công bố theo quy định.
Tổ chức thực hiện công tác thông tin, truyền thông về du lịch; hướng dẫn và tổ chức cung cấp thông tin du lịch tại các cửa khẩu quốc tế, khu du lịch, điểm du lịch.
Tổ chức thực hiện công tác thống kê chuyên ngành du lịch; công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi số và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực du lịch theo quy định của pháp luật và theo phân cấp của Bộ trưởng.
Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực du lịch theo quy định của pháp luật.
Xây dựng, hướng dẫn sử dụng, khai thác, quản lý cơ sở dữ liệu quản lý về du lịch.
Tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các điều ước quốc tế về du lịch mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập, các thỏa thuận quốc tế, các chương trình, dự án quốc tế tài trợ về du lịch theo phân cấp của Bộ trưởng và theo quy định của pháp luật.
Tổ chức thực hiện các dự án đầu tư về du lịch thuộc thẩm quyền theo phân công, phân cấp của Bộ trưởng và theo quy định của pháp luật.
Quản lý, tổ chức thực hiện việc thẩm định, quyết định công nhận và thu hồi quyết định công nhận cơ sở lưu trú du lịch hạng 04 sao, 05 sao theo quy định của pháp luật; công bố danh sách cơ sở lưu trú du lịch đã được xếp hạng theo thẩm quyền; hướng dẫn, kiểm tra, việc xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch của cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh; tổ chức kiểm tra, chất lượng cơ sở lưu trú du lịch trên toàn quốc.
Quản lý, tổ chức thực hiện việc cấp, cấp lại, cấp đổi, thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế; quản lý, hướng dẫn, kiểm tra việc cấp, cấp lại, cấp đổi, thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; tổ chức kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, nội địa trên toàn quốc.
Quản lý, hướng dẫn, kiểm tra việc cấp, cấp lại, cấp đổi, thu hồi thẻ hướng dẫn viên du lịch của cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh; tổ chức kiểm tra hoạt động hướng dẫn du lịch của các hướng dẫn viên du lịch, việc quản lý hoạt động hướng dẫn du lịch của các khu du lịch, điểm du lịch trên toàn quốc.
Tiếp nhận, giải quyết hoặc phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết kiến nghị của khách du lịch trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo phân công của Bộ trưởng…
Về cơ cấu tổ chức của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam gồm có:
1. Cục trưởng và các Phó Cục trưởng.
2. Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ:
a) Phòng Kế hoạch, Tài chính;
b) Phòng Tổ chức cán bộ;
c) Phòng Quản lý lữ hành;
d) Phòng Quản lý lưu trú du lịch;
đ) Phòng Quản lý xúc tiến du lịch;
e) Phòng Quan hệ quốc tế;
g) Văn phòng.
3. Các đơn vị sự nghiệp công lập:
a) Viện Nghiên cứu phát triển du lịch;
b) Trung tâm Thông tin du lịch.
Văn phòng và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam là đơn vị sử dụng ngân sách, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng theo quy định của pháp luật.
Về quy định chuyển tiếp, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam kế thừa các nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục Du lịch theo quy định của pháp luật và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên cho đến khi cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch có trách nhiệm thực hiện các thủ tục sáp nhập Tạp chí Du lịch vào Viện Nghiên cứu phát triển du lịch theo quy định của pháp luật và hoàn thành trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.
Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2023.
Nguồn: //vietnamtourism.gov.vn