Nhu cầu du lịch tăng cao nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ du lịch đang trong tình trạng thiếu nhân lực nghiêm trọng.
Thiếu và yếu
“Cần người nhưng tuyển hoài không được”, bà Trần Nữ Vương-Phó phòng Kinh doanh, công ty du lịch Cuộc Sống Việt (trụ sở tại quận 1, TPHCM) thốt lên. Bà Vương cho biết, khi dịch kéo dài nhiều nhân sự của công ty đã phải chuyển sang hoạt động khác để kiếm sống như làm tư vấn bảo hiểm hay nhân viên các công ty kinh doanh bất động sản. Một số khác thì về quê sinh sống và làm việc.
Từ sau khi trở lại trạng thái bình thường mới, công ty bắt đầu hoạt động lại nhưng những nhân viên kể trên không muốn trở lại công việc cũ. Công ty thông báo tuyển dụng cho các vị trí kinh doanh nhưng hơn tháng qua không tuyển được người nào.
“Nhân lực có kinh nghiệm thì đòi hỏi lương quá cao nhưng số này không nhiều, trong khi nhân lực trẻ, mới ra trường thì có nhưng không đáp ứng được yêu cầu”, bà Vương nói. Vì vậy, bà cho hay, việc mở rộng kinh doanh để đón mùa du lịch hè của công ty đang gặp nhiều trở ngại.
Đó cũng là tình trạng chung của rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành hiện nay. Tại một diễn đàn về phát triển nhân lực du lịch diễn ra chiều 13/5 ở TPHCM, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu- Phó giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết, nếu như trước đây ngành du lịch thành phố luôn trăn trở nguồn nhân lực không đồng đều về chất lượng, tính chuyên nghiệp, thì sau dịch vấn đề đáng lo ngại là tình trạng nguồn nhân lực đang trở nên thiếu và yếu cả về chất lượng và số lượng.
Nguyên nhân do sự chuyển dịch về nguồn lao động giữa các ngành nghề, giữa các địa phương, do thời gian gián đoạn, đứt gãy chuỗi hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch; 80% lực lượng lao động du lịch nghỉ việc hoặc chuyển đổi ngành nghề.
Ông Nguyễn Quý Phương- Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết trong thời gian dịch bệnh, số doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp đã được cấp phép, phần lớn doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc dừng hoạt động. Trong khi đó, lĩnh vực kinh doanh lưu trú du lịch, chiếm đến 46% trong cơ cấu doanh thu của ngành du lịch Việt Nam, phải đóng cửa khoảng 90% và hầu như không có khách.
Đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến 2,5 triệu lao động trong ngành du lịch với 800.000 lao động trực tiếp. Khi du lịch khởi động trở lại, nguồn nhân lực vốn đã yếu và thiếu từ trước đại dịch lại càng thêm trầm trọng khi nhiều người đã từ chối quay trở lại với nghề.
Thiếu nhân lực, Công ty du lịch Cuộc sống Việt phải hoạt động cầm chừng. Ảnh: ÐD |
Chữa cháy
Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó giám đốc Ban Tiếp thị công ty Vietravel cho hay, trong giai đoạn hiện nay, ưu tiên hàng đầu của các DN dịch vụ du lịch, lữ hành là tái cấu trúc toàn bộ hệ thống – sản phẩm – nhân sự nhằm mục tiêu thích ứng với thị trường khách đang có nhiều thay đổi và biến động.
Bà Trần Phương Linh, Giám đốc Tiếp thị – Công nghệ Thông tin BenThanh Tourist cũng cho hay, ngay khi thị trường du lịch khởi sắc, công ty lập tức nâng cao tiền lương thưởng hàng tháng, làm những hành động thiết thực nhất để cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhân viên công ty. Ngoài ra, công ty vẫn luôn cung cấp đầy đủ các phúc lợi cho người lao động như khám sức khỏe định kỳ, đóng bảo hiểm xã hội, hỗ trợ tiền cơm trưa, quà tặng vào các dịp lễ để giữ chân người lao động.
Theo ông Nguyễn Quý Phương, để giải bài toán nhân lực du lịch, trước hết các địa phương và DN du lịch cần có chính sách thu hút nhân lực du lịch đã thôi việc, chuyển việc trở lại phục vụ trong ngành du lịch. Tổ chức bồi dưỡng, đào tạo lại cho 100% nhân lực nghiệp vụ du lịch tại các địa phương đối với đối tượng quay trở lại làm việc, đảm bảo chất lượng phục vụ khách du lịch.
Liên kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Tuy nhiên, ông Phương cho rằng, để đảm bảo phát triển nguồn nhân lực du lịch dài hơi và bền vững, cần xây dựng chiến lược lâu dài cho nguồn nhân lực du lịch Việt Nam như đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số, nâng cao khả năng cạnh tranh cho ngành du lịch. Bên cạnh đó, cần xem xét điều chỉnh, phát triển danh mục các ngành nghề phù hợp nhu cầu thực tiễn của ngành du lịch.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, năm 2021 chỉ có 25% số lao động trong ngành du lịch làm đủ thời gian; 30% phải nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động; 35% tạm nghỉ việc; 10% làm việc cầm chừng. Ðây là lần đầu tiên, ngành Du lịch Việt Nam thất thoát nhân lực lớn chưa từng có.
Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch TPHCM, trước sự hồi phục nhanh chóng của ngành du lịch sau đại dịch, với vai trò là trung tâm du lịch hàng đầu cả nước, ngành du lịch TPHCM đã đề ra hai giải pháp chính để khắc phục khó khăn.
Một là chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo, vừa tập trung ngắn hạn, dài hạn, vừa tập huấn, bồi dưỡng, xây dựng, thành lập thêm các khoa nghiệp vụ du lịch để đào tạo trình độ nghiệp vụ chuyên môn, nghiệp vụ quản lý,… được chuẩn hóa theo hướng chuyên nghiệp, đạt trình độ quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế.
Hai là chủ động liên kết, hợp tác với các địa phương, xác định công tác đào tạo nguồn nhân lực là một trong bốn nội dung trọng tâm trong các chương trình hợp tác liên kết với các địa phương.
“Nhưng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành du lịch cũng như đẩy mạnh tính liên kết giữa TPHCM và địa phương cần liên kết hỗ trợ, giới thiệu đội ngũ giảng viên và xây dựng nội dung phù hợp với yêu cầu của từng địa phương; tạo điều kiện để doanh nghiệp chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm và cập nhật những kiến thức mới.”- bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch TPHCM nói.
Nguồn: //cafef.vn