Đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch muốn tồn tại lâu dài và chuyên nghiệp cần phát huy và liên kết chặt chẽ giữa 3 chữ N: Nhà nước, Nhà Doanh Nghiệp và Nhà Trường trong sự tác động qua lại và hỗ trợ lẫn nhau vì nguồn nhân lực là cơ sở để mang tới sự hài lòng thú vị nhất cho du khách trong việc cung cấp các sản phẩm du lịch vô hình như việc phục vụ ăn uống, phục vụ lưu trú, hàng lưu niệm, hình thành các điểm và sự kiện du lịch….phục vụ cho chuyến đi của du khách từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng. Tính liên kết giữa ba đối tượng nêu trên trong ngành du lịch được biểu hiện rõ nét từ hai góc độ vi mô tới vĩ mô như sau:
Thứ nhất, liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch đối với địa phương và các doanh nghiệp du lịch (DNDL) thể hiện mối quan hệ hai chiều. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ xây dựng chiến lược phát triển chung của Ngành; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của địa phương và các DNDL thông qua hệ thống pháp luật. Hằng năm, hoạt động xúc tiến du lịch mang tầm cỡ thế giới, quốc gia hay từng địa phương được tổ chức thường xuyên là cơ hội hợp tác và mở rộng thị trường kinh doanh cho các DNDL. Liên kết giữa các DNDL với nhau thể hiện trong việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ du lịch cho khách. Nếu như một trong những dịch vụ trong một chương trình du lịch bị “đổ vỡ” thì điều thất bại theo “dây chuyền” sẽ xảy ra, làm tổn hại uy tín của DN. Các công ty lữ hành không có nguồn khách có nghĩa là các khách sạn, nhà hàng, cơ sở vui chơi giải trí …..sẽ rơi vào trường hợp như thế.
Thứ hai, liên kết giữa DNDL và cơ sở đào tạo được xem là hạt nhân của sự tồn tại và phát triển ngành du lịch. Cơ sở đào tạo sẽ cung ứng một lượng nhân lực chuyên nghiệp cho doanh nghiệp và sẽ tạo dựng được hình ảnh cũng như thương hiêu cho doanh nghiệp vì đội ngũ này sẽ mang đến sự hài lòng cho du khách khi sử dụng các dịch vụ của doanh nghiệp mà lực lượng tiếp xúc trực tiếp của khách chính là đội ngũ nhân viên của doanh nghiệp. Đây là mối quan hệ hữu cơ và không thể tách rời. Cho dù, các DNDL khai thác được nguồn khách đã có nhưng duy trì được nguồn khách đó và muốn họ giới thiệu thêm du khách mới thì càng khó hơn nếu không tạo dựng được lòng tin về đội ngũ nhân lực đầy kinh nghiệm và được đào tạo một cách bài bản và chuyên nghiệp. Suy cho cùng, sợi dây tạo nên sự liên kết giữa các DNDL và du khách là chất lượng sản phẩm, dịch vụ, chính sách quảng cáo và sự chăm sóc khách hàng thường xuyên luôn được chú trọng và ưu tiên đầu tiên trong chiến lược phát triển về nguồn nhân lực của các DNDL.
Nắm bắt được hướng phát triển của các doanh nghiệp lữ hành tại Huế về nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Bộ môn lữ hành và HDDL không ngừng thay đổi phương pháp giảng dạy, ngay từ trong các môn học đã có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực tế, mời các giám đốc doanh nghiệp du lịch đến nói chuyện và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn cho sinh viên. Ngoài ra, kết hợp các môn học trên lớp mang tính thực tế cao như Quản trị lữ hành, Thiết kế và điều hành tua, Tuyến điểm du lịch, nghiệp vụ HD 1&2 để thường xuyên tổ chức nhiều chuyến đi trải nghiệm cho sinh viên trong cả hai chuyên ngành Lữ hành và HDDL đi xuyên suốt từ Miền Bắc đến Miền Trung Tây Nguyên để các em hiểu được việc học lý thuyết trên lớp so với thực tế mà sinh viên được trải nghiệm có sự khác biệt lớn như thế nào và khi các em là khách du lịch sử dụng các dịch vụ được mua các em sẽ thích gì? Mong muốn được phục vụ như thế nào trong chuyến đi để sau này ra trường các em hiểu được triết lý vì sao khách hàng là Thượng đế và phục vụ họ là phải phục vụ như các Ông Vua, Bà chúa…. Do đó, vị thế và uy tín của BMLH ngày càng được nâng cao và BMLH còn là địa chỉ đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng và đáng tin cậy nhất vì đã không ngừng nâng cao chất lượng cũng như đổi mới phương pháp giảng dạy trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho Khoa du lịch nói riêng và cho ngành du lịch của Tỉnh TTH nói chung. Chất lượng đào tạo được khẳng định và được thể hiện rõ nét là hàng năm đã thu hút một lượng sinh viên giỏi thi vào ngành QTDVDL. Hiện nay, BMLH đã và đang mở rộng nhiều mối quan hệ và phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp lữ hành trong việc giảng dạy hai chuyên ngành đặc thù là Quản lý lữ hành và HDDL.
Thứ ba, liên kết đồng thời giữa cả ba đối tượng đó là Nhà nước, Nhà doanh nghiệp và Nhà trường cũng là vấn đề cấp thiết và cần được quan tâm. Sự liên kết này không chỉ có ý nghĩa cho sự lớn mạnh của ngành du lịch mà còn đóng góp vào sự phát triển, hòa nhập về việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao giữa các nước lân cận và trên thế giới. Nếu Nhà nước mang đến nguồn tài chính và hành lang pháp lý cho các cơ sở đào tạo và hỗ trợ một phần nào đó cho doanh nghiệp thì sẽ không còn rào cản giữa Nhà trường và Nhà Doanh nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Nhà doanh nghiệp sẽ là nơi đặt hàng cho các cơ sở đào tạo trong việc xây dựng các môn học vừa lý thuyết vừa thực hành trong các chương trình đào tạo và họ cũng là nơi sẽ tiếp nhận sinh viên từ các cơ sở đào tạo, cung cấp các kiến thức thực tế cũng như các kỹ năng mềm cần thiết của người phục vụ trong ngành du lịch một cách chuyên nghiệp và chính nguồn nhân lực này sẽ gây được sự thiện cảm cũng như sự hấp dẫn trong việc phục vụ khách du lịch theo đúng phương châm “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” để khách mong muốn được quay trở lại và chính họ sẽ là người quảng bá tốt và chân thật nhất về hình ảnh của địa phương và đất nước mà họ đã quyết định đến.
Hiện nay, sự liên kết giữa ba chủ thể trên đang ở giai đoạn rời rạc và gắn bó không mật thiết với nhau nên việc đào tạo đi và đào tạo lại tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc của xã hội. Các cơ sở đào tạo du lịch ít gắn kết với doanh nghiệp nên nguồn nhân lực du lịch còn yếu kém và không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp e ngại trong vấn đề tuyển dụng sinh viên mới ra trường gây tổn thất lớn về thời gian cũng như kinh phí đào tạo của gia đình và xã hội. Khoảng cách giữa ba đối tượng trên cần gấp rút rút ngắn trong thời gian nhanh nhất có thể. Để làm được điều này cần phát huy tính liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và nhà doanh nghiệp, hai đối tượng này ngồi lại để có tiếng nói chung vì sự phát triển của ngành du lịch trong xu thế hội nhập của thế giới. Nếu phát huy được sự liên kết tức là khi các chủ thể tìm được tiếng nói hợp nhất thì việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ dể dàng hơn và từ đó kéo theo các lợi ích khác mà các chủ thể tham gia đều được hưởng trên tinh thần “hợp tác vui vẻ, đôi bên cùng có lợi”.
Đặc biệt trong cơ chế đào tạo đặc thù ngành du lịch theo QĐ của Bộ GD &ĐT hiện nay, Bộ môn Lữ hành đang từng bước hoàn thiện chương trình đào tạo (50% lý thuyết và 50% thực hành) và không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy trên lớp kết hợp với thực tế các môn học để từng bước đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho du lịch của Tỉnh nhà. Hy vọng Bộ môn Lữ hành sẽ luôn được hỗ trợ tích cực từ các doanh nghiệp du lịch thông qua các bản ghi nhớ cam kết phối hợp đào tạo giữa hai bên và đồng hành với sự trưởng thành của Khoa du lịch để từng bước biến giấc mơ Khoa du lịch trở thành Đại học Du lịch Vùng (Miền Trung – Tây Nguyên) có danh tiếng và khẳng định mãi mãi thương hiệu của Khoa “Chất lượng tạo sự khác biệt” hay “Tinh hoa du lịch là Đại học Du lịch Huế” trong tương lai không xa.
Th.S Nguyễn Thị Ngọc Cẩm – Bộ môn Lữ Hành và HDDL