Đó là nội dung quan trọng trong ngày làm việc của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế dưới sự chủ trì của ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh với ngành Giáo dục.
Theo ông Thọ, hiện ngành Giáo dục Huế đang có rất nhiều việc phải làm từ trường lớp, thầy cô đến học sinh. Do phong cách của người Huế ít nói nên từ thầy cô cho đến học sinh đều rụt rè trong ứng xử giao tiếp. Điều này không chỉ thể hiện trong giáo dục mà các lãnh đạo Sở ban ngành cũng đều rụt rè trong khi họp. Đến họp ít phát biểu, phải chỉ định thì mới nói.
“Tiếp theo là giáo dục văn hóa lịch sử trong các cấp chưa đạt yêu cầu. Đây là điều quan trọng vì nó nuôi dưỡng tinh thần yêu nước. Tất cả đều khởi nguồn từ văn hóa. Ngay cả Đại học Fullbright Việt Nam còn đưa sinh viên ra Huế học văn hóa Việt Nam, tại sao chúng ta ở đây mà lại không học văn hóa Huế?
Làm sao cho đến khi ra trường, các em học sinh Huế đều có một tinh thần ý chí cống hiến, trở thành một con người có đạo đức, lễ phép, điều đó đã là thành công cho ngành Giáo dục, và tất cả phải bắt đầu từ văn hóa” – ông Thọ trăn trở.
Hai thế mạnh của Huế hiện tại là Tài nguyên di sản văn hóa vật thể, phi vật thể cung đình – Tài nguyên thiên nhiên đầm phá Tam Giang – Cầu Hai lớn nhất Đông Nam Á với hơn 23.000 hecta và Đội ngũ tri thức của tỉnh. Việc đầu tư vào bồi dưỡng, giáo dục con người, nhất là tầng lớp học sinh từ những cấp học đầu tiên là điều cốt yếu và mang tính chất chiến lược, để Huế sau này có đội ngũ con người trong các lĩnh vực mạnh về chuyên môn, sâu về văn hóa, đáp ứng nhu cầu thời đại nhưng không mất đi bản sắc dân tộc.
Trước việc này, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết tỉnh sẽ lập đề án về xây dựng chương trình ngoại khóa giáo dục lịch sử, văn hóa Huế cho học sinh các cấp học. Hình thức sẽ trực quan, sinh động phù hợp với lứa tuổi.
Ngành Giáo dục sẽ thường xuyên tổ chức cho các em tham quan di tích lịch sử, nhưng trước đó sẽ là cho thầy cô đi thực tế để hiểu về văn hóa lịch sử Huế, vì thầy cô không hiểu làm sao mà truyền đạt lại cho trò. Sau tham quan, sẽ phải viết thu hoạch hoặc cảm nhận về truyền thống, di sản.
Nhiều biện pháp được đặt ra song song với việc này là tổ chức thi hùng biện, thi kiến thức về lịch sử, văn hóa, di sản Huế hàng năm cho các lứa tuổi. Tỉnh sẽ mời các chuyên gia về thuyết trình, đặt hàng các đề tài giáo dục văn hóa; sẽ bồi dưỡng nâng cao năng lực thầy cô là tấm gương cho học sinh, làm sao phải “dạy cho ra trò”… Và việc này phải làm thực chất, không phải phong trào, làm thế nào để học sinh phải nhớ đến nguồn gốc.
“Chính việc giáo dục lịch sử, văn hóa Huế sẽ giúp học cho học sinh, sinh viên hướng về cội nguồn, tổ tiên, cốt cách người Huế”. Từ đó vun đắp, củng cố nền tảng, bản sắc văn hóa, bồi đắp sức mạnh dân tộc, khơi dậy lòng tự hào đất nước, khát vọng cống hiến vì một Việt Nam hùng cường. Lòng tự hào về lịch sử, văn hóa là nền tảng quan trọng cho sự phát triển trường tồn, bền vững của một dân tộc, một đất nước” – ông Thọ khẳng định giá trị của văn hóa đối với tầng lớp trẻ kế thừa hiện nay.
Một số việc “căn cơ” cũng được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai cho ngành Giáo dục năm 2019 là các đề án giáo dục kỹ năng ứng xử mẫu giáo, đề án đổi mới văn hóa thư viện nhà trường, đề án xây dựng trường kiểu mẫu…
Nguồn: Đại Dương (Báo Dân trí).