Đến tham dự Diễn đàn về phía Trung ương có ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Lê Phúc – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam. Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có ông Phan Ngọc Thọ – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Phan Thiên Định – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh cùng hơn 300 đại biểu đến từ các Hiệp hội, cơ sở đào tạo; các tập đoàn, doanh nghiệp du lịch và các cơ quan truyền thông.
Diễn đàn Du lịch Huế năm 2020 với Chủ đề “Kết nối lữ hành: Huế – Điểm đến an toàn và thân thiện” nhằm triển khai Đề án “Phục hồi, kích cầu phát triển du lịch Thừa Thiên Huế (giai đoạn 2020 – 2021) và Kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi, kích cầu phát triển du lịch Thừa Thiên Huế từ đây đến hết năm 2020; triển khai Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách kích cầu du lịch trong năm 2020; hưởng ứng Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch phát động triển khai. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ, các chuyên gia du lịch cùng các cơ quan quản lý nhà nước gặp gỡ, trao đổi, hiến kế cho chương trình phục hồi, phát triển du lịch của Thừa Thiên Huế trong bối cảnh vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế vừa phòng, chống dịch hiệu quả.
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, thay mặt lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định, Thừa Thiên Huế đã được quy hoạch, đầu tư xây dựng theo các lợi thế phù hợp với thế mạnh và bản sắc riêng của mình. Hình hài của một đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh” đang được hình thành và phát triển với hạt nhân là Thành phố Huế – thành phố di sản văn hóa thế giới, thành phố Festival, thành phố Văn hóa ASEAN; thành phố xanh, sạch, sáng… Thừa Thiên Huế đang trở thành một Trung tâm kinh tế của Vùng trọng điểm kinh tế miền Trung và cả nước, trong đó nền kinh tế được phát triển theo hướng xanh và bền vững, du lịch đóng vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn.
Bước sang năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt kinh tế – xã hội; các hoạt động về du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những khó khăn dự báo còn kéo dài đã đặt ra cho ngành du lịch Việt Nam, cũng như miền Trung và Thừa Thiên Huế những thách thức không nhỏ, yêu cầu phải có sự vào cuộc, đồng hành và hành động quyết liệt để kịp thời chuyển đổi, đột phá, thu hút du khách quay trở lại và nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch cho điểm đến Thừa Thiên Huế. Nhận thức được vấn đề này, Thừa Thiên Huế đã xây dựng đề án kích cầu du lịch năm 2020 – 2021; xác định thị trường trọng tâm; nghiên cứu và ban hành nhiều giải pháp, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch; xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mới; đồng thời tập trung quảng bá thông qua các trang mạng xã hội và các cơ quan thông tấn báo chí…
“Chúng tôi cũng xác định rằng, để thực hiện thành công việc kích cầu phục hồi và phát triển ngành du lịch Thừa Thiên Huế trở lại, các doanh nghiệp lữ hành trên cả nước đóng vai trò hết sức quan trọng. Sự tham gia xây dựng, kết nối sản phẩm du lịch, đặc biệt giới thiệu, quảng bá, đưa khách đến Huế đối với các doanh nghiệp lữ hành là to lớn và cần thiết đối với chúng tôi” – Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.
Toàn cảnh diễn đàn
Diễn đàn du lịch Huế 2020 với chủ đề “Kết nối lữ hành: Huế – Điểm đến an toàn và thân thiện” hướng đến các mục tiêu chính đó là đánh giá khả năng hồi phục du lịch Thừa Thiên Huế sau dịch bệnh Covid-19; xác định các đối tượng/thị trường khách trở lại Huế và miền Trung trong bối cảnh hiện nay và hậu dịch Covid-19. Công bố chương trình kích cầu du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế từ đây đến hết năm 2020, bao gồm; chuỗi sự kiện văn hóa, lễ hội của tỉnh trong năm 2020, đặc biệt là Festival Huế 2020. Cùng với thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đưa ra thông điệp chung và triển khai chương trình kích cầu liên kết 3 địa phương, một điểm đến. Truyền thông quảng bá rộng rãi về điểm đến địa phương và chương trình kích cầu du lịch trên các kênh truyền thông và các báo chí của Trung ương và địa phương. Kết nối các doanh nghiệp lữ hành lớn trong cả nước với các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú, lữ hành, điểm đến, dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Tạo môi trường để các đơn vị lữ hành ngoài tỉnh tìm hiểu các dịch vụ, sản phẩm của các doanh nghiệp ở Thừa Thiên Huế; đồng thời cùng nhau liên kết, hưởng ứng triển khai chương trình kích cầu của tỉnh Thừa Thiên Huế; chương trình liên kết “03 địa phương – một điểm đến” trong thời gian tới.
Phát biểu tại Diễn đàn, Lãnh đạo Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cũng như Lãnh đạo Tổng cục Du lịch đã đánh giá cao sự tích cực của lãnh đạo tỉnh cùng Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đã chủ động, tích cực tổ chức hai sự kiện Lễ ký Chương trình liên kết hành động phục hồi và phát triển du lịch ba địa phương Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam và Diễn đàn du lịch Huế năm 2020, hưởng ứng tinh thần chương trình kích cầu du lịch nội địa do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khởi xướng. Ghi nhận sự nỗ lực, chú trọng tìm kiếm, phát triển các sản phẩm du lịch mới cho du lịch Thừa Thiên Huế hiện nay như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng… bên cạnh dòng sản phẩm di sản, văn hóa.
“Tổng cục Du lịch cam kết sẵn sàng đồng hành với các địa phương, hoan nghênh và ủng hộ việc tổ chức các chương trình, sự kiện văn hóa, thể thao, lễ hội gắn liền với du lịch, triển khai liên kết hợp tác giữa các địa phương, các hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp du lịch… nhằm thu hút sự tham gia của người dân, khôi phục thị trường du lịch nội địa và chuẩn bị cho những bước phát triển mới của du lịch Việt Nam. Trong thời gian tới, đối với thị trường nội địa bên cạnh việc triển khai các gói kích cầu du lịch, tăng cường hợp tác, liên kết giữa các địa phương, các hiệp hội, các doanh nghiệp du lịch… thì cũng cần chú trọng công tác truyền thông về đảm bảo các quy định, điều kiện về an toàn phòng, chống dịch cho khách du lịch, người lao động và cộng đồng người dân địa phương. Đối với thị trường quốc tế, chúng ta cần khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón khách quốc tế ngay khi được cho phép” – Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã được nghe đại diện lãnh đạo Sở Du lịch cùng lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế báo cáo về tình hình du lịch Thừa Thiên Huế dưới tác động của dịch bệnh Covid-19 và định hướng phục hồi, phát triển du lịch Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020 – 2021; giới thiệu chuỗi lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao gắn với du lịch và các chương trình lớn của Festival Huế 2020. Trong đó nêu bật về nhu cầu, thực trạng và hướng phát triển của du lịch nội địa trong thời gian tới; các chính sách, giải pháp để phục hồi, phát triển du lịch ở Thừa Thiên Huế. Các chương trình kích cầu du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế từ đây đến hết năm 2020, bao gồm: chính sách kích cầu của chính quyền, các gói kích cầu của các doanh nghiệp du lịch gắn với giới thiệu sản phẩm, dịch vụ mới của địa phương; chuỗi sự kiện văn hóa, lễ hội của tỉnh trong năm 2020, đặc biệt là Festival Huế 2020.
Tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thiên Định cũng đã công bố chính sách kích cầu du lịch của Thừa Thiên Huế và Chương trình hành động liên kết 3 địa phương (Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam): Điểm đến an toàn và mến khách.
Bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp du lịch như Công ty cổ phần Đầu Tư và Dịch Vụ YesHue Eco; Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Sông Hương; Công ty TNHH Bạch Mã Village; Công ty Cổ phần Thanh Tân Thừa Thiên Huế; Công ty cổ phần truyền thông quảng cáo và dịch vụ du lịch Đại Bàng (EagleTourist)… cũng công bố các chương trình kích cầu của doanh nghiệp và giới thiệu về điểm đến, các sản phẩm và các dịch vụ của mình.
Các đại biểu tham dự diễn đàn chụp ảnh lưu niệm
Ngoài ra, các đại biểu tham dự còn trao đổi, thảo luận, góp ý, đề xuất sáng kiến giúp du lịch Thừa Thiên Huế cũng như của 3 địa phương liên kết phục hồi, phát triển trong thời gian tới trong bối cảnh mới. Phân tích hiện trạng du lịch miền Trung và xu hướng marketing trực tuyến; Đề xuất ý tưởng cho liên kết du lịch ba địa phương miền Trung và xúc tiến du lịch bằng truyền thông số… Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đã có những góp ý, kiến nghị nhằm hạn chế khó khăn, giải quyết vướng mắc trong quá trình kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã giới thiệu chương trình liên minh kích cầu của các đơn vị lữ hành; chương trình kích cầu của các cơ sở lưu trú; chương trình kích cầu của các doanh nghiệp dịch vụ; Giám đốc Vietel Pay Chi nhánh Vietel Thừa Thiên Huế cũng đã giới thiệu về sản phẩm Thẻ điện tử du lịch Huế; Đại diện Tiktok Việt Nam giới thiệu về mạng xã hội Tiktok và những hoạt động hỗ trợ kích cầu du lịch nội địa…
Dịp này các đại biểu tham dự Diễn đàn có dịp tham gia Chương trình khảo sát, trải nghiệm sản phẩm du lịch ở Thừa Thiên Huế.
Trước đó, vào chiều ngày 30/5/2020, tại trụ sở UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã diễn ra Hội nghị ký kết và công bố chương trình hành động liên kết 3 địa phương Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng và Quảng Nam, qua đó thống nhất triển khai chương trình kích cầu liên kết 3 địa phương với thông điệp: Điểm đến Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam an toàn và mến khách. (Ảnh dưới)
Nguồn://tinhuytthue.vn