Là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19, ngành du lịch đã chứng kiến nhiều thay đổi trong thói quen chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam dành cho các hoạt động du lịch trong năm qua. Nắm bắt những thay đổi này là điều cần thiết để các doanh nghiệp du lịch định hình con đường phục hồi hoạt động kinh doanh trong tương lai.
Một năm nổ lực đối phó với sự bùng nổ của covid-19 đã làm lối sống và thói quen của người Việt Nam thay đổi rất nhiều, đặc biệt là trong thói quen tiêu dùng. Tháng 2/2021, Deloitte vừa ra mắt khảo sát Người tiêu dùng Việt Nam (Vietnam Consumer Survey), khám phá những thay đổi chính trong hành vi người tiêu dùng Việt trong bối cảnh Covid-19.
Khảo sát cho thấy, trong bối cảnh khó lường trước như hiện nay, những tác động về mặt kinh tế – xã hội do Covid-19 đã khiến người tiêu dùng Việt Nam thận trọng hơn trong thói quen chi tiêu, thay đổi thứ tự ưu tiên cho các sản phẩm, dịch vụ sử dụng trong cuộc sống cũng như cá kênh mua hàng chính. Trong đó, các hoạt động liên quan đến du lịch làm một trong những khía cạnh bị ảnh hưởng rõ ràng nhất.
Bài viết dưới đây chọn lọc những thay đổi trong thói quen tiêu dùng đối với các sản phẩm Giải trí & Du lịch (Leisure & Holiday) được đề cập trong khảo sát.
Những thay đổi trong chi tiêu của du khách Việt
thông qua góc nhìn đại diện của bốn phân khúc người tiêu dùng chính tại Việt Nam, khảo sát của Deloitte phân tích những tác động của Covid-19 dẫn đến những thay đổi trong tâm lý (heart), chi tiêu (wallet) và tâm trí (mind) của người tiêu dùng Việt.
Nhìn chung, khảo sát của Deloitte cho thấy người tiêu dùng Việt vẫn giữ được tâm lý (heart) khá tích cực nhờ những phản ứng và giải pháp kịp thời của chính phủ Việt Nam trong thời gian qua đối với Covid-19. Tuy nhiên, có sự khác biệt khi các nhóm người tiêu dùng ở các tỉnh phía Bắc (Hà Nội, Đà Nẵng) ít lạc quan hơn so với phía Nam (TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ). Đặc biệt, người tiêu dùng tại Đà Nẵng kém lạc quan nhất so với ba thành phố còn lại do ảnh hưởng nặng nề của đợt bùng phát Covid-19 lần thứ hai tại địa phương này.
Đối với vấn đề phân bổ chi tiêu (wallet), người tiêu dùng Việt chi tiêu thận trọng hơn, ưu tiên những nhu cầu thiết yếu và hạn chế các chi tiêu tùy ý. Điều này dẫn đến sự giảm sút trong chi tiêu dành cho Giải trí & Du lịch, từ 4% xuống còn 0,4% so với năm 2019. Ngoài ra, quy định đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu và giãn cách xã hội để kiểm soát Covid-19 đã khiến cho chi tiêu dành cho các hoạt động Giải trí & Du lịch, Ăn uống, Karaoke & Nightclub bị giảm mạnh nhất so với các danh mục chi tiêu khác. Điều này cho thấy, người tiêu dùng xếp các hoạt động Giải trí & Du lịch vào loại hình chi tiêu tùy ý và có thể dễ dàng bị cắt giảm nếu xảy ra những khủng hoảng về mặt kinh tế.
Trong kế hoạch chi tiêu hàng tháng của hộ gia đình, 89% người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu hàng tháng cho hoạt động Giải trí & Du lịch, 9% người tiêu dùng vẫn giữ nguyên kế hoạch chi tiêu như trước và chỉ có 2% người tiêu dùng tăng ngân sách chi tiêu hằng tháng cho hoạt động này. Khảo sát cũng cho thấy chỉ có khoảng 57% người tiêu dùng có chi tiêu cho Giải trí & Du lịch trong vòng 12 tháng qua. Trong đó, Gen Z và Millennials là hai nhóm người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu cho Giải trí & Du lịch nhiều nhất trong 4 nhóm người tiêu dùng.
Về các yếu tố thúc đẩy chi tiêu (mind) cho các hoạt động Giải trí & Du lịch, có 29% người tiêu dùng lựa chọn thương hiệu là những yếu tố thúc đẩy họ chi tiêu cho các hoạt động trong danh mục này.
Ngoài ra, kênh Thương mại điện tử/Trực tuyến là kênh mua hàng được người tiêu dùng ưa chuộng để chi tiêu cho Giải trí & Du lịch trong bối cảnh Đại dịch. Trong đó, nhóm người tiêu dùng Millennial là đối tượng thích chi tiêu trên kênh này nhất, với 82% người tiêu dùng Millennial được phỏng vấn có sở thích mua sắm các dịch vụ Giải trí & Du lịch trên kênh này. Tuy nhiên, yếu tố địa lý cũng tạo nên sự khác biệt trong sở thích mua sắm qua kênh trực tuyến. Người tiêu dùng tại các thành phố lớn như Hà Nội (14%) và thành phố Hồ Chí Minh (13%) có xu hướng thích chi tiêu trên kênh này hơn sơ với Đà Nẵng (7%) và Cần Thơ (2%).
Ngoài ra, người tiêu dùng Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn có trải nghiệm mua hàng tốt hơn. Nhu cầu này thậm chí được ưu tiên hơn so với giảm giá hoặc khuyến mãi lớn. Do đó, nếu các doanh nghiệp du lịch biết cách đáp ứng những nhu cầu về kênh và trải nghiệm mua sắm cho người tiêu dùng, đây hứa hẹn là một kênh tiếp cận thị trường tiềm năng trong tương lai.
Nguồn://destination-review.com/